Vị trí xây cầu vượt sông Sài Gòn nối TPHCM và Bình Dương

Ngày 3/11/2022, ông Nguyễn Thanh Thuận – Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương đang ưu tiên, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đường liên kết vùng. Đối với dự án đường Vành đai 3 TPHCM, phần thuộc địa bàn Bình Dương đang tiến hành đo và đặt mốc lộ giới.

Cầu Bình Gởi băng qua sông Sài Gòn nối Bình Dương và TP.HCM thuộc Vành đai 3

Tỉnh Bình Dương đã tổ chức lấy ý kiến người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án trước khi tiến hành công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Theo ông Thuận, đối với dự án đường Vành đai 3 , cầu Bình Gởi dài gần 1km, rộng 20m, quy mô 4 làn xe với tổng mức đầu tư trên 570 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng vào quý II/2023. Cây cầu sẽ băng qua sông Sài Gòn nối liền TP.Thuận An (Bình Dương) với quận 12 (TP.HCM) thuộc Dự án thành phần 5 của đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ do tỉnh Bình Dương thực hiện.

Vị trí điểm đầu của cầu Bình Gởi trong tương lai thuộc phường An Sơn (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương)

Phần còn lại của đường Vành đai 3 TP.HCM dài hơn 76 km đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 6 với tổng vốn đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng gồm 8 dự án thành phần. Tuyến đường dự kiến khởi công giữa năm 2023, hoàn thành sau 3 năm thi công xây dựng. Riêng đoạn qua Bình Dương (thành phần 5 và 6) gồm nút giao Tân Vạn và cầu Bình Gởi sẽ khởi công vào tháng 4/2023 với tổng số vốn thực hiện hơn 19.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng là khoảng 13.500 tỷ đồng.

Ngoài cầu Bình Gởi, dự án Vành đai 3 còn có cầu Nhơn Trạch, nối TPHCM và Đồng Nai dài 2,6 km, rộng 19,5 m, kinh phí thực hiện hơn 1.800 tỷ đồng. Theo kế hoạch, công tác khoan khảo sát địa chất sẽ hoàn thành trước tháng 10 và cắm cọc ranh giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2022.

TP.HCM đã cắm 1.900 cọc GPMB dự án Vành đai 3

Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) cho biến đơn vị đã hoàn thành công tác cắm cọc dự án vành đai 3 trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể, đơn vị đã cắm thành công 1.900 cọc trên tuyến đường dài 47km. Công tác hoàn thành 100%, đúng tiến độ đã cam kết với thành phố. Giai đoạn tiếp theo, Ban Giao thông sẽ tiến hành bàn giao mốc lộ giới cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ đo đạc, bồi thường GPMB cho dự án.

Nhiệm vụ của Ban Giao thông trong thời gian tới là hoàn chỉnh nội dung 2 báo cáo khả thi của dự án thành phần 1 (dự án xây lắp) và dự án thành phần 2 (Bồi thường giải phóng mặt bằng). Hạn cuối phê duyệt dự án là 30/11/2022.

Cụ thể, dự án thành phần 1 sẽ thực hiện phê duyệt báo cáo ĐTM (Đánh giá tác động môi trường) và 30 Đồ án điều chỉnh quy hoạch phân khu trước ngày 20/11/2022.

Dự án thành phần 2 cần hoàn tất công tác kiểm tra pháp lý, đo vẽ kiểm đếm; triển khai công tác điều tra xã hội học và hoàn chỉnh phương án tái định cư… Hoàn thành báo cáo khả thi dự án thành phần 2 trước ngày 20/11/2022 để phê duyệt vào ngày 30/11/2022.

Theo Ban Giao thông, giai đoạn tháng 1-5/2023 TP sẽ phê duyệt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và ban hành quyết định thu hồi đất. Đồng thời phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Yêu cầu các địa phương đẩy nhanh công tác bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai thi công, đảm bảo tháng 6/2023 bàn giao 70% mặt bằng để khởi công và hoành thành công tác bàn giao mặt bằng vào tháng 12/2023.

Dự án có 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. Dự án thi công trong 36 tháng và thông xe vào tháng 10/2025, hoàn thành toàn bộ vào tháng 6/2026.

Nguồn: Báo Xây Dựng, CafeLand

Previous articleCao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo xin thêm vốn để giải ngân, dự tính hoàn thành sớm 3 tháng
Next article14.000 tỷ đồng xây dựng cao tốc kết nối Hậu Giang – Cà Mau