Dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo đề nghị Bộ GTVT xem xét bổ sung 200 tỷ đồng vào kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho dự án để đẩy nhanh tiến độ thi công, tiến tới hoàn thành sớm 3 tháng so với cam kết.

Công ty cổ phần cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, doanh nghiệp dự án Dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam, vừa có văn bản gửi Bộ GTVT, Ban quản lý dự án 85 để đăng ký bổ sung vốn ngân sách Nhà nước năm 2022.

Đại diện công ty cho biết, năm 2022, nguồn vốn ngân sách Nhà nước (vốn VGF) bố trí cho Dự án là 1.066 tỷ đồng, trong đó chi phí hỗ trợ xây dựng là 1.036 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 10/2022, Dự án đã giải ngân được 966/1.036 tỷ đồng, đạt 93,21% kế hoạch.

Nếu kiến nghị của đơn vị được xét duyệt, Bộ GTVT chấp thuận điều chuyển vốn từ các công trình khác, Dự án Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ có thêm khoảng 270 tỷ đồng giải ngân trong khoảng 2 tháng cuối năm 2022. Với năng lực thi công hiện tại cùng điều kiện thời tiết thuận lợi, mục tiêu giải ngân toàn bộ phần vốn VGF (bao gồm cả 200 tỷ đồng bố trí thêm) là hoàn toàn khả thi, từ đó rút ngắn thời gian về đích của dự án.

Về tiến độ thực tế, sau 1/3 thời gian triển khai, công tác thi công nền đường thuộc Dự án cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã đạt hơn 80% khối lượng công việc. Phần còn lại tại các vị trí cầu lớn và hầm đường bộ Núi Vùng sẽ được hoàn thiện trong thời gian tới.

Khối lượng xây lắp đạt 30%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu; trong đó, phân đoạn do Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vượt 5% kế hoạch, đạt 31,19% tổng giá trị các gói thầu (tương đương 1.418 tỷ đồng,); phân đoạn do Công ty 194 đạt 26% tổng giá trị các gói thầu (sản lượng 789 tỷ đồng)

Nhà đầu tư dự án đặt mục tiêu hoàn thành các hạng mục chính vào cuối năm 2023, vượt tiến độ 3 tháng theo cam kết với Chính phủ và Bộ GTVT.

Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km, vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, trong đó phần vốn nhà nước tham gia là 5.139 tỷ đồng. Công trình do Liên danh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư. Dự án triển khai theo phương thức PPP, hợp đồng BOT. Trong số 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam BOT, Cam Lâm – Vĩnh Hải là công trình đầu tiên thu xếp đủ nguồn vốn và triển khai thành công.

Nguồn: CafeLand

Previous articleNghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao 250km/h trên trục Bắc Nam
Next articleDự án Vành đai 3: Vị trí xây cầu vượt sông Sài Gòn và cắm 1.900 cọc GPMB dự án