Ngày 14/10/2022, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức Tọa đàm góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai, thu thập các góp ý từ góc độ ngân hàng thương mại để hoàn thiện dự thảo luật. Hiệp hội Ngân hàng đã có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường góp ý đối với dự thảo luật, trong đó Hiệp hội Ngân hàng đã tập hợp hàng trăm ý kiến góp ý của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tại hội thảo, Hiệp hội Ngân hàng, đại diện các TCTD như Vietcombank, VietinBank, HDBank, LienVietPostBank, Techcombank… nêu nhiều ý kiến đóng góp với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi – Ảnh: VGP/HT

Tại dự thảo đang lấy ý kiến lần này vẫn còn rất nhiều ý kiến vướng mắc các TCTD phản ánh, cần được cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu trao đổi, làm rõ như: Về chủ thể sử dụng đất; xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; các loại hình bất động sản mới; đăng ký biến động đồng thời; thế chấp quyền sử dụng đất cho các tổ chức nước ngoài vay vốn; tài sản đã hình thành chưa được cấp giấy chứng nhận; về cầm cố bất động sản…

Về chủ thể sử dụng đất, dự thảo luật vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, song không có quy định về cách xác định thành viên hộ gia đình. 

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét không quy định chủ thể tham gia xác lập thực hiện giao dịch là hộ gia đình sử dụng đất tại luật này mà quy định rõ chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch là các thành viên của hộ gia đình. Trường hợp dự thảo luật vẫn quy định chủ thể sử dụng đất là hộ gia đình thì đề nghị quy định rõ tại luật này căn cứ xác định hoặc cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xác nhận thành viên hộ gia đình sử dụng đất.

– Về xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, Quốc hội ban hành Nghị quyết 42/2021/QH15 về thí điểm xử lý nợ xấu của TCTD, trong đó quy định một số cơ chế đặc thù để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD. Hiện nay, Quốc hội gia hạn thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42 đến tháng 12/2023. Tuy nhiên, một số cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 42 chưa được quy định tại dự thảo luật này.

Đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung các quy định tại Điều 9, 10 Nghị quyết 42 để tạo điều kiện cho các TCTD trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ xấu khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành, quy định rõ về quyền của bên mua khoản nợ được tiếp tục kế thừa, thực hiện quyền, nghĩa vụ của bên bán nợ

– Về đăng ký biến động đồng thời, dự thảo luật chưa có quy định đối với trường hợp người yêu cầu đăng ký cùng lúc yêu cầu đăng ký nhiều biến động, thực tiễn phát sinh nhiều nhu cầu về việc đăng ký biến động đồng thời việc thay đổi thông tin vừa đăng ký biện pháp bảo đảm,… Đề nghị xem xét bổ sung quy định được đồng thời đăng ký biến động đất trên cùng một tài sản để tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, doanh nghiệp.

– Về quy định về tài sản đã hình thành chưa được cấp giấy chứng nhận, đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất đã hình thành (xây dựng xong) nhưng chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận. Trên thực tế tồn tại rất nhiều trường hợp nhà ở được xây dựng trên đất ở riêng lẻ của bên vay chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thế chấp được công chứng, đăng ký thế chấp chỉ ghi nhận việc thế chấp quyền sử dụng đất, không ghi nhận nhà ở gắn liền với đất. Ngân hàng và bên thế chấp thường buộc phải lập văn bản thỏa thuận ký không qua thủ tục công chứng, đăng ký để thỏa thuận về việc nhận thế chấp/cơ chế xử lý tài sản gắn liền với đất chưa được ghi nhận trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do vậy, giao dịch thế chấp tiềm ẩn rủi ro tranh chấp đối với tài sản gắn liền với đất là tài sản thế chấp.

Nguồn: Báo Chính Phủ

Previous articleCác sự kiện thị trường nổi bật
Next articleHà Nội xây dựng hai thành phố ở phía đông và tây