Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tính từ đầu năm đến cuối tháng 6/2022 giảm tới 30% so với cùng kỳ. Tháng 5 và 6/2022, nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn huy động.
Tháng 5, doanh nghiệp bất động sản bắt đầu quay trở lại thị trường, nhưng ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với hơn 14.600 tỷ đồng, chiếm gần 61% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản xếp ở vị trí thứ 2 khi phát hành trên 6.800 tỷ đồng trái phiếu, tương đương hơn 28% tổng giá trị phát hành.
Đại diện Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được giao chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm phát triển một thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro.
Trước đó, Bộ Tài chính đã có báo cáo gửi Chính phủ liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm 2021 với tổng số tiền lên đến hơn 100.000 tỷ đồng. Lãi vay trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Chuyên gia cho rằng, lý do các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản chọn lựa kênh huy động vốn vay trái phiếu doanh nghiệp vì đây là kênh có thể huy động vốn lớn để làm dự án và lãi vay tính ra vẫn rẻ hơn lãi vay trung và dài hạn tại các ngân hàng thương mại.