Chỉ trong vài ngày, làn sóng ngừng trả nợ vay mua nhà bùng lên tại Trung Quốc, đe dọa cả ngành Bất động sản và tài chính nước này. Bất động sản đóng góp khoảng một phần tư GDP Trung Quốc, cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực này với nền kinh tế lớn nhì thế giới. Tuy nhiên, chỉ trong vài ngày, các dấu hiệu căng thẳng trên thị trường địa ốc Trung Quốc liên tiếp xuất hiện, làm chao đảo thị trường tín dụng trong nước, đồng thời kéo tụt giá cổ phiếu ngân hàng và vật tư xây dựng.

Theo China Real Estate Information, tính đến ngày 13/7/2022, người mua nhà đã ngừng thanh toán tiền vay tại ít nhất 100 dự án thuộc hơn 50 thành phố. Hôm 11/7, con số này mới là 28 dự án, nhưng sau đó nhanh chóng tăng lên 58 dự án ngày 12/7, Jefferies Financial Group cho biết. Giới phân tích cho rằng người mua nhà tại đây có đủ lý do để tức giận. Hầu hết dự án trì trệ mà họ từ chối thanh toán tiếp đều thuộc các nhà phát triển đã vỡ nợ hoặc phải xin gia hạn trả nợ.”

Khủng hoảng khiến nhà chức trách tổ chức họp khẩn với các ngân hàng lớn để bàn giải pháp. Một số nhà băng đã có kế hoạch thắt chặt cho vay mua nhà ở các thành phố có rủi ro cao.


Một khu dân cư ở Thượng Hải, Trung Quốc

Tình hình hiện tại trái ngược với sự lạc quan đầu năm nay, khi nhà đầu tư kỳ vọng việc nới lỏng quy định kiểm soát có thể ngăn chặn khủng hoảng nợ trong ngành Bất động sản. Hiện tại, nhà đầu tư thậm chí lo sợ trước chính sách phong tỏa chống dịch và làn sóng người mua nhà từ chối trả tiền vay ngân hàng.

Nỗi lo lớn hơn là việc mất niềm tin vào bất động sản sẽ gây sức ép lên nền kinh tế và hệ thống tài chính của Trung Quốc. Các nhà băng nước này hiện ghi nhận 46.000 tỷ nhân dân tệ (6.800 tỷ USD) nợ thế chấp và 13.000 tỷ nhân dân tệ cho vay các hãng bất động sản.

Ngoài việc cổ phiếu ngân hàng xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020, tình trạng hỗn loạn tuần này cũng tác động đến thị trường trái phiếu. Lợi suất trung bình với trái phiếu ‘rác’ (thuộc nhóm không khuyến khích đầu tư) phát hành bằng USD của Trung Quốc đã tăng lên gần 26%. Những trái phiếu này chủ yếu của các hãng Bất động sản.

Trong hai thập kỷ qua, thị trường nhà ở Trung Quốc từ chỗ vững chắc đã chuyển dần sang tình trạng lung lay. Giá nhà giảm 10 tháng liên tiếp khi chính phủ siết tín dụng bất động sản, làm tăng chi phí với các hãng địa ốc và gây ra làn sóng vỡ nợ kỷ lục. Doanh số bán nhà giảm 41,7% trong tháng 5/2022 so với cùng kỳ 2021.

Previous articleVN Smarthomes – Đất Xanh Miền Tây – thành viên Dat Xanh Services chính thức khai trương văn phòng đại diện tại TP Long Khánh (Đồng Nai)
Next articleThúc đẩy khởi công cao tốc Ninh Bình – Hải Phòng