So với kế hoạch đặt ra ban đầu, tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia gồm: Đường vành đai 3 – TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) đều đang bị chậm tiến độ.

Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu có hướng tuyến chạy song song với quốc lộ 51 và khi hoàn thành xây dựng sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông cho tuyến quốc lộ này. Ảnh: Báo Đồng Nai

Nhiều hạng mục chậm

Dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (giai đoạn 1) là 2 dự án giao thông trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 6/2022. Cả 2 dự án đều được thực hiện theo hình thức phân cấp cho các địa phương có đoạn tuyến đi qua sẽ làm chủ đầu tư dự án thành phần đó.

Với Đồng Nai, địa phương được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 3, 4 thuộc dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM chiều dài đoạn tuyến hơn 11km. Tương tự, với dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, Đồng Nai được giao làm chủ đầu tư dự án thành phần 1 chiều dài đoạn tuyến khoảng 16km.

Để đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án, tại cuộc họp về tình hình triển khai các dự án này vào tháng 8/2022, UBND tỉnh cũng đã đưa ra các mốc thời gian để các đơn vị liên quan thực hiện các công tác trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các phần việc đều đang bị chậm tiến độ so với các mốc thời gian đã được UBND tỉnh đề ra.

Cụ thể, với dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM, UBND tỉnh đặt mục tiêu phải bàn giao ranh giải phóng mặt bằng cho H.Nhơn Trạch trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, đến ngày 20/10/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh mới có văn bản gửi Sở GT-VT phê duyệt hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng. Hiên nay, Sở GT-VT đang lấy ý kiến các đơn vị liên quan tổng hợp để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh phê duyệt.

Tương tự, tại dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, UBND tỉnh cũng đặt ra yêu cầu phải hoàn tất bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng trước ngày 30/9/2022. Tuy nhiên, đến ngày 2/11/2022, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh mới thực hiện bàn giao ranh giải phóng mặt bằng của dự án đoạn qua H.Long Thành. Riêng đoạn qua địa bàn TP.Biên Hòa dự kiến sẽ được bàn giao trước ngày 10/11/2022.

Không chỉ bị chậm trong bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng, công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án thành phần 1, dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu cũng bị chậm tiến độ. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, việc lập ĐTM của dự án phải hoàn thành trước ngày 20/9/2022 để trình Bộ TN-MT thẩm định, phê duyệt. Mặc dù vậy, phải đến ngày 20/10/2022, các cơ quan liên quan mới hoàn thiện ĐTM trình Bộ TN-MT.

Cần đẩy nhanh tiến độ

Mới đây nhất, Bộ GT-VT đã có văn bản gửi 2 địa phương Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị đẩy nhanh tiến độ dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Theo Bộ GT-VT, trong tháng 10/2022, việc hoàn thành lập ĐTM cũng như bàn giao cọc giải phóng mặt bằng phải hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa xong các thủ tục này. Chính vì vậy, Bộ GT-VT, đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần theo tiến độ đề ra.

Cả 2 dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM và Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu đã hoàn thành công tác lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Trong ảnh: Người dân P.Tam Phước, TP.Biên Hòa tìm hiểu khu vực dự kiến thu hồi đất thực hiện dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Ảnh: Báo Đồng Nai

Theo Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Nguyễn Linh, với dự án Đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, tiến độ thực hiện đến nay chậm khoảng 25 ngày so với kế hoạch chi tiết của công tác lựa chọn các đơn vị tư vấn. Thời gian chậm tiến độ dự kiến sẽ được điều chỉnh để đẩy nhanh trong các giai đoạn lập hồ sơ thiết kế, thẩm định thiết kế cơ bản và cắm cọc giải phóng mặt bằng tại hiện trường.

Trong khi đó, với dự án Đường vành đai 3 – TP.HCM, theo đánh giá, công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi đang được đảm bảo theo tiến độ và dự kiến ngày 9/11/2022 sẽ trình Bộ GT-VT thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Tuy nhiên, việc cắm cọc giải phóng mặt bằng để bàn giao cho H.Nhơn Trạch thực hiện các thủ tục tiếp theo của công tác giải phóng mặt bằng đang chậm hơn 20 ngày so với kế hoạch.

Trên thực tế, do công tác bàn giao cọc giải phóng mặt bằng các địa phương bị chậm tiến độ nên ngoài các phần việc chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng của cả 2 dự án này cũng đang bị chậm tiến độ.

Nguồn: Báo Đồng Nai

Previous articleChính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư 17,2 nghìn tỷ đồng làm cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc
Next articleNHNN giảm giá bán USD, hút ròng tiền, lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt