Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh mới đây đã điều chỉnh tổng mức kinh phí nhu cầu lên 6.280 tỉ đồng (tăng 1.500 tỉ đồng so với tổng mức vốn đầu tư ban đâu).
Ban QLDA Mỹ Thuận vừa trình Bộ GTVT thẩm định dự án đầu tư xây dựng dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh giai đoạn 1. Báo cáo mới được thực hiện dự trên cơ sở tiếp thu các góp ý của các cơ quan liên quan đồng thời phối hợp với đơn vị Tư vấn thẩm tra.
Cụ thể, theo bản đề xuất của Ban QLDA Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh có tổng chiều dài khoảng 26,56 km. Giai đoạn 1 dự án sẽ được đầu tư với quy mô 4 làn xe cao tốc hạn chế, đến giai đoạn hoàn thiện, tuyến sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe cao tốc hoàn chỉnh.
Tổng mức đầu tư dự án là 6.280 tỉ đồng, trong đó chi phí bồi thường GPMB 969 tỉ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 3.988 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 554 tỉ đồng; chi phí dự phòng là 769 tỉ đồng.
Mức chi phí này tăng 1.510 tỉ đồng so với phương án đã được Chính phủ duyệt chủ trương (4.771 tỉ đồng). Theo giải trình của Ban QLDA Mỹ Thuận, chi phí GPMB tăng khoảng 353 tỉ đồng; chi phí xây dựng tăng khoảng 791 tỉ đồng; chi phí dự phòng tăng khoảng 227 tỉ đồng tương ứng với các chi phí tăng nêu trên.
Về phương án huy động vốn, Chủ đầu tư đề xuất sử dụng vốn ODA của Hàn Quốc khoảng 4.537 tỉ đồng (tương đương 182 triệu USD) và vốn đối ứng khoảng 1.743 tỉ đồng. Trong đó vốn vay ODA sẽ sử dụng để thanh toán chi phí xây dựng, thiết bị; chi phí tư vấn thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công… vốn đối ứng sử dụng để thanh toán chi phí GPMB và các chi phí còn lại.
Dự án dự kiến sử dụng vốn vay Thời gian thực hiện Dự án là 5 năm kể từ ngày hiệp định vay có hiệu lực.
Việc đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh còn góp phần kết nối thông suốt toàn tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Cà Mau cũng như cao tốc Chơn Thành – Rạch Giá (Rạch Sỏi – Kiên Giang); giảm tải cho tuyến Quốc lộ 1, kết nối giao thông với các trục dọc – ngang.
Nguồn: CafeLand