Ông Lê Anh Tuấn – Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng.

Ngày 20/11/2022, tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề “Phát triển xanh-Hài hòa-Bền vững”.

Thứ trưởng Lê Anh Tuấn thông tin, Bộ GTVT dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các tuyến đường bộ cao tốc kết nối vùng Tây Nguyên là khoảng 156.000 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn bố trí để triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc có tính chất liên vùng (cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, cao tốc Dầu Giây-Liên Khương,..) với kinh phí khoảng 28.038 tỷ đồng.

Ông Tuấn khẳng định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường bộ cao tốc trong vùng Tây Nguyên sẽ được đẩy mạnh đầu tư, đánh thức vùng đất đai trù phú này trở thành một vùng kinh tế phát triển. Nói rõ thêm mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.

Định hướng nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế chính sách đặc thù. “Chính phủ sẽ mạnh dạn cho địa phương thí điểm triển khai một số chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Chính phủ”. “Thể chế chính sách phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, nên các địa phương Tây Nguyên phải chủ động đề xuất”, Thủ tướng cho biết.

Thứ 2, phải phát triển hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, để kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới và phát triển hạ tầng y tế, giáo dục.

Thủ tướng cho rằng, giao thông phải kết nối, góp phần phát triển hành lang kinh tế Đông-Tây, hàng lang kinh tế Bắc-Nam, dựa vào các trục giao thông chính: Đường sắt, đường bộ, cao tốc Bắc-Nam.

Thứ 3, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó, cần lưu ý phát triển hệ thống trường đại học, trường dạy nghề. “Các đồng chí phải chủ động chứ không ai làm thay được”, Thủ tướng đề nghị.

Thứ 4, cần tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế rừng. Thủ tướng lấy ví dụ, tài nguyên bauxite có nhiều nhưng cần chú ý phát triển xanh, công nghệ cao. Khai thác bauxite có nhiều công đoạn, trước khi ra nhôm thì có nhiều phụ phẩm cần xử lý để bảo vệ môi trường, làm sao các sản phẩm liên kết chuỗi tuần hoàn, bảo đảm chất lượng đầu ra.

Thứ 5, phát triển công nghiệp chế biến, phát triển kinh tế nông nghiệp xanh, sạch.

Thứ 6, phát triển văn hoá gắn với du lịch.

Thứ 7, phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Muốn vậy phải xuất phát từ bài toán quy hoạch với tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược.

Thứ 8, huy động nhiều nguồn lực cho phát triển, gồm đầu tư công, nguồn vốn xã hội, hợp tác công tư. Đầu tư công thì kết hợp cả nguồn lực Trung ương và địa phương.

Thứ 9, xây dựng thương hiệu để phát triển bền vững, ổn định, phải có truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

Nguồn: CafeLand

Previous article[Khánh Hòa] Quy hoạch Cam Ranh thành đô thị loại 2
Next article[Miền Tây] Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh tăng vốn thêm 1.500 tỷ đồng