Trong tháng 11 và 12, thành phố tập trung tháo gỡ theo trọng tâm, trọng điểm các dự án Bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch, các vướng mắc trong doanh nghiệp nhà nước để phát huy nội lực.
Chiều 1/11/2022, UBND TP.HCM tổ chức phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và thu chi ngân sách tháng 10, 10 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và đầu tư, các lĩnh vực kinh tế tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, IIP 4 ngành trọng điểm 10 tháng năm 2022 ước tăng 22,5% so với cùng kỳ. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, doanh thu du lịch, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh.
Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp TP.HCM qua cửa khẩu cả nước trong tháng 10 ước đạt 4,13 tỷ USD, tăng 6,23% so với tháng trước. Lũy kế 10 tháng ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 13,44% so với cùng kỳ.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, tính chung 10 tháng của năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) thành phố ước tăng trưởng 9,97%. Như vậy, cả năm 2022, ước GRDP của thành phố tăng trưởng khoảng 9,4%, cao hơn mục tiêu đề ra từ đầu năm (tăng từ 6 – 6,5%).
Thu ngân sách Thành phố đến hiện tại là 393.000 tỷ đồng, đạt 101% dự toán năm. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức khá, đạt 17,4%. Tổng thu hàng hóa bán lẻ, dịch vụ tăng 30%, trong đó du lịch tăng trưởng khá tốt, thể hiện xu hướng phục hồi sau dịch bệnh.
Theo người đứng đầu chính quyền Thành phố, ngoài những điểm nổi bật, trong tháng 10, Thành phố cũng có những điểm bất lợi, tiêu cực. Xuất hiện các tình huống như vụ việc tại Ngân hàng SCB đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, an ninh, trật tự của Thành phố và cả nước, tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản.
Ngoài ra, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn cũng tạo ra tâm lý không yên tâm, thiếu tin tưởng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, đời sống của người dân, hoạt động kinh tế-xã hội.
Xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao của thế giới cũng bắt đầu ảnh hưởng đến TP.HCM. CPI của Thành phố 4,31% là mức cao, cộng với một số ngành công nghiệp, sản xuất bị suy giảm, dẫn đến việc làm bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến đời sống của người công nhân.
Giải ngân đầu tư công chỉ đạt 27%, thấp so với mức độ chung của cả nước là gần 50%.
Theo ông Mãi, trọng tâm của năm 2023 là trong khi thế giới khó khăn, cả nước khó khăn thì Thành phố phải tập trung nỗ lực để tháo gỡ điểm nghẽn, phát huy kinh tế nội địa của mình.
Trong tháng 11 này, Sở Kế hoạch và đầu tư cần hoàn thiện việc xây dựng đề án huy động đầu tư xã hội. Sở Tài chính giúp hoàn thiện đề án sử dụng hiệu quả tài sản công. Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện kế hoạch đấu thầu, đấu giá một số nhà, đất để chuẩn bị sang năm triển khai.
Bên cạnh đó, cần tập trung đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, các địa phương để thực hiện chủ đề năm.
Trong tháng 11, 12, tập trung tháo gỡ theo trọng tâm, trọng điểm các dự án bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch, các vướng mắc trong doanh nghiệp nhà nước để phát huy nội lực. Tập trung các giải pháp để hỗ trợ sản xuất. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch dịp cuối năm.
Nguồn: CafeLand