“Làn sóng nhiệt” đã quét qua Bắc bán cầu, khi những đợt nắng nóng kỷ lục thổi bùng cháy rừng ở Tây Ban Nha và Pháp, thiêu đốt nước Mỹ và gây ra cảnh báo ở hàng chục thành phố của Trung Quốc.
Theo nhà kinh tế hàng đầu tại ngân hàng Hà Lan ING, ông Carsten Brzeski, một danh sách dài các yếu tố có thể đẩy nền kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái. Cụ thể là lạm phát cao kỷ lục, đồng euro yếu đang khiến hàng hóa thiết yếu nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, và tình hình thời tiết khắc nghiệt.
Mực nước dọc theo sông Rhine của Đức – con sông quan trọng đối với hoạt động vận chuyển hóa chất, than và ngũ cốc – đang thấp đến mức việc vận chuyển bị gián đoạn và có nguy cơ làm xáo trộn chuỗi cung ứng. Nhiệt độ nước ấm lên ở Pháp đang cản trở hoạt động của một số nhà máy điện hạt nhân trong khi tồn tại các vấn đề bảo trì khác.
Và ở miền Bắc Italy, người nông dân đang phải vật lộn với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 70 năm, ảnh hưởng đến sản xuất các loại cây trồng.
Những vấn đề liên quan đến khí hậu này có thể đẩy lạm phát lên cao hơn khi châu Âu gặp nhiều khó khăn trong việc đối phó với giá thực phẩm và nhiên liệu tăng vọt. Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro (Eurozone) đã đạt mức cao kỷ lục là 8,6% trong tháng 6/2022, điều này buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo sẽ đưa ra một biện pháp can thiệp mạnh mẽ vào đầu tuần này.
Tuy nhiên, các hành động của ECB có thể bị hạn chế nếu nền kinh tế tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí rơi vào suy thoái. Hoạt động kinh tế tại Eurozone đã thu hẹp trong tháng 7/2022 khi mảng sản xuất ghi nhận sự sụt giảm lớn trong bối cảnh giá cả tăng cao khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn nữa, theo kết quả khảo sát mà tập đoàn dịch vụ tài chính S&P Global Market Intelligence công bố hôm 22/7.
Chuỗi cung ứng bị gián đoạn
“Làn sóng nhiệt” đã quét qua Bắc bán cầu trong tuần qua, khi những đợt nắng nóng kỷ lục thổi bùng cháy rừng ở Tây Ban Nha và Pháp, thiêu đốt nước Mỹ và gây ra cảnh báo ở hàng chục thành phố của Trung Quốc. Ở châu Âu, thiệt hại của một mùa Đông và mùa Xuân ít mưa và một mùa Hè nắng nóng gay gắt đang ngày càng trầm trọng hơn.
Mực nước trên sông Rhine, tuyến đường thủy nội địa quan trọng nhất của Đức để vận chuyển hàng hóa công nghiệp, đã giảm mạnh, làm gián đoạn hoạt động của các tàu vận tải biển. Sông Rhine rất quan trọng đối với hoạt động vận chuyển các mặt hàng như than đá, vốn có nhu cầu cao hơn khi Đức chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới.
Những lo ngại về sông Rhine có thể đè nặng lên lĩnh vực sản xuất cực kỳ quan trọng của Đức, như khi dòng sông quá khô cạn vào năm 2018. Các nhà nghiên cứu tại Viện Kiel về Kinh tế Thế giới phát hiện ra rằng trong một tháng có 30 ngày mực nước thấp, sản lượng công nghiệp của nước này giảm khoảng 1%.
Những hậu quả đáng lo ngại
Nhiệt độ nước ấm hơn cũng gây ra khó khăn cho hoạt động của các nhà máy điện trong đất liền vì chúng dựa vào các con sông để làm mát lò phản ứng. Tại Pháp, tập đoàn điện lực EDF ngày 22/7 cho biết ba lò phản ứng đang phải hoạt động với công suất thấp hơn do nhiệt độ của các con sông gần đó đã tăng lên. Cũng vì lý do này, sản lượng thủy điện ở châu Âu dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng do nắng nóng.
Do tình hình thời tiết khô hạn hơn bình thường và đợt nắng nóng đầu mùa Hè đang tàn phá ngành nông nghiệp và ảnh hướng đến nguồn cung cấp điện tại Italy, chính phủ nước này đã buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp vào đầu tháng Bảy tại 5 khu vực.
Sông Po của Italy đang có mực nước thấp kỷ lục trong bối cảnh tình trạng khô hạn khiến ngành nông nghiệp thiệt hại nặng nề. Con sông này cắt qua miền Trung của Italy, nơi đóng góp 30% sản lượng lương thực của cả nước.
Ông Tom Burke, nhà đồng sáng lập của Tổ chức tư vấn về biến đổi khí hậu E3G, cho biết, theo nghiên cứu mới đây, châu Âu đang nổi lên như một “điểm nóng” về sóng nhiệt. Vấn đề này cũng sẽ tác động đến lĩnh vực du lịch, vấn đề lạm phát cũng như năng suất của người lao động, đặc biệt là trong những giai đoạn thời tiết cực đoan.
Nguồn: Báo Chính Phủ