Được sự cho phép của Chủ tọa phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, chiều 8/6/2022, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm rõ một số nội dung liên quan đến thị trường bất động sản (BĐS).

Theo Bộ trưởng cần kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật; Các doanh nghiệp có năng lực, có tín nhiệm, có dự án tốt, đáp ứng các điều kiện cần được tạo điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng để phát triển các dự án BĐS để góp phần tăng nguồn cung; Tiếp tục cho vay đối với các dự án đầy đủ pháp lý, có hiệu quả; Ưu tiên cho vay đối với dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân được cấp phép và khởi công để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị: Tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhận định: Thị trường BĐS là một trong những thị trường quan trọng của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định cho nền kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế và các lĩnh vực khác cùng phát triển, đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho người dân, phát triển đô thị, công nghiệp và du lịch.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường BĐS lành mạnh

Trong năm 2021 và quý I/2022, thị trường BĐS dù vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã thích ứng và từng bước có chuyển biến, đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển. Tổng lượng giao dịch BĐS cao hơn quý trước và cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ hấp thụ sản phẩm ở hầu hết các phân khúc ở mức cao và hầu như không phát sinh lượng tồn đọng BĐS mới. Tỷ lệ bỏ trống văn phòng, mặt bằng thương mại cho thuê giảm dần…

Để đảm bảo thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, đóng góp tích cực hơn cho phát triển nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất một số giải pháp chính.

Thứ nhất: Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực BĐS để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Thứ hai: Theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường BĐS để kịp thời có giải pháp ổn định, lành mạnh thị trường khi cần thiết.

Thứ ba: Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định; thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.

Thứ tư: Kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng BĐS đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro, tiếp tục tạo điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS theo đúng quy định pháp luật.

Thứ năm: Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng chương trình phát triển nhà ở công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các dự án.

Thứ sáu: hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS.

Thứ bảy: Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh BĐS.

Previous articleCao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: Kiến nghị các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc
Next articleTỉnh Quảng Bình đề nghị hãng Hàng không Vietjet mở thêm đường bay Hà Nội – Đồng Hới