Thời gian qua, việc tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương, Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào vận hành đã từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mở ra cơ hội phát triển kinh tế – xã hội cho các tỉnh, thành ĐBSCL. Tuy nhiên, đứng trước nhu cầu phát triển hiện nay, đặc biệt là việc Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển khu vực ĐBSCL, 2 tuyến cao tốc này chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa.

Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải – GTVT), tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Trung Lương (giai đoạn 1) được đầu tư xây dựng tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, với vận tốc 120 km/h; xây dựng 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp. Khoảng 7 đến 8 năm đầu tiên đưa vào khai thác, tuyến đường cơ bản đáp ứng về năng lực thông hành xe và điều kiện an toàn giao thông. Tuy nhiên, sau khi dừng thu phí (từ ngày 1/1/2019 đến nay) lưu lượng xe trên tuyến tăng cao.

Riêng đối với tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (giai đoạn 1) theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đây là tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng ĐBSCL được thiết kế với vận tốc 80 km/h, gồm 4 làn xe và dải phân cách giữa. Tuyến chưa bố trí làn dừng khẩn cấp liên tục, mà chỉ bố trí điểm dừng khẩn cấp so le nhau khoảng cách thiết kế từ 4 – 5,3 km.
Đối với dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh – Trung Lương, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2 theo quy hoạch cần khoảng 8.200 tỷ đồng. Đơn vị tư vấn đề xuất triển khai theo phương thức PPP (hợp tác công tư) hợp đồng BTL (Xây dựng – Chuyển giao – Thuê dịch vụ).
Trong khi đó dự án dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2 khoảng 9.500 tỷ đồng, đơn vị tư vấn cho rằng việc thực hiện dự án theo hình thức BOT (Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).
Nguồn: Báo Ấp Bắc