Điều kiện chọn thầu cao tốc Bắc – Nam

Các tiêu chí để chỉ định thầu tham gia xây dựng cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 được Bộ GTVT xây dựng dựa theo quy định hiện hành, kinh nghiệm triển khai 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017-2020 đang thi công.

Cụ thể, Bộ GTVT dẫn quy định hiện hành để đưa ra một số tiêu chí với nhà thầu đủ điều kiện chỉ định thầu xây dựng các đoạn cao tốc Bắc – Nam sắp khởi công gồm: Có chứng chỉ năng lực phù hợp với công trình tham gia xét; từng tham gia các gói thầu kỹ thuật tương tự, giá trị tối thiểu bằng 50% gói thầu đang xét; có nguồn lực tài chính, doanh thu 3 năm gần nhất phải tương đương giá trị gói thầu xét; chứng minh được năng lực huy động nhân sự, máy móc, thiết bị…

Giải phóng mặt bằng, xác định mỏ vật liệu

Dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài khoảng 729 km, gồm các đoạn Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km), đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố, được chia thành 12 dự án thành phần vận hành độc lập. 

Về công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), theo báo cáo của các địa phương, việc kiểm kê tài sản trên đất đã hoàn thành tại 3 dự án Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Hậu Giang – Cà Mau; 9 dự án đang triển khai với mức độ hoàn thành từ 56% – 98%. Các địa phương cũng đã sẵn sàng xác định vị trí các khu tái định cư, thủ tục thu hồi đất, xây dựng khu tái định cư…

Riêng các mỏ vật liệu đất đá, theo rà soát của Bộ GTVT, đến nay, việc khảo sát địa hình, thủy văn đã cơ bản hoàn thành. Các BQLDA giao thông đang chỉ đạo tư vấn triển khai khảo sát mỏ vật liệu, bảo đảm việc cung cấp số liệu cho công tác thiết kế theo từng đợt. Hiện có 2/12 dự án hoàn thành công tác khoan khảo sát hiện trường (Vạn Ninh – Cam Lộ, Cần Thơ – Hậu Giang), 10/12 dự án dự kiến hoàn thành khảo sát hiện trường trong tháng 9/2022.

Dự kiến chia 30 gói thầu

Bộ GTVT đề xuất chia 12 đoạn cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2022-2025 thành 30 gói thầu để phù hợp năng lực nhà thầu trong nước tham gia chỉ định thầu.

Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng phân chia gói thầu giá trị từ 3-5 nghìn tỷ đồng (dự kiến 12 dự án cao tốc sẽ có khoảng 30 gói thầu). Mỗi gói thầu có 3 liên danh cùng tham gia, mỗi nhà thầu có thể tham gia nhiều gói thầu. Với giá trị gói thầu này, gói tư vấn giám sát khoảng 20-40 tỷ đồng, phù hợp năng lực các tư vấn trong nước hiện có.

Về quy trình, trình tự thực hiện chỉ định thầu, theo quy định, quy mô, tính chất, yêu cầu các gói thầu như trên, các nhà thầu phải chủ động tìm kiếm liên danh, đảm bảo công khai, Bộ GTVT đề xuất: Khi Thủ tướng phê duyệt, Bộ GTVT phê duyệt kế hoạch, công khai tiêu chí để các nhà thầu căn cứ đăng ký. Sau khi nhà thầu đăng ký, Bộ GTVT sẽ thực hiện đánh giá năng lực và tổng hợp báo cáo Thủ tướng danh sách các nhà thầu đủ điều kiện.

Sau đó, trên cơ sở dự toán được duyệt và đã được kiểm toán, chủ đầu tư duyệt và phát hành hồ sơ để các nhà thầu hoàn thiện để thẩm định, phê duyệt kết quả chỉ định thầu.

Nguồn: CafeF

Previous article3.888 tỷ đồng mở rộng quốc lộ nối Cần Thơ – Hậu Giang
Next articleThảo luận hướng tuyến đường bộ ven biển kết nối Bến Tre – Tiền Giang – Trà Vinh