Mới đây, Ban Chỉ đạo Dự án (DA) Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh, cho biết, 3 địa phương trên vừa có cuộc họp nhằm thảo luận về hướng tuyến, quy mô dự án.

Tại cuộc họp, các địa phương xác định đây là dự án sử dụng vốn vay, không phải từ nguồn ngân sách Trung ương. Do đó, cần thống nhất hướng tuyến để triển khai các công việc tiếp theo.

Phối cảnh tuyến đường ven biển miền Tây.

Các thành viên Ban Chỉ đạo dự án đã thảo luận về hướng tuyến, quy mô, phạm vi dự án, nhằm giữ mức tổng đầu tư trong giới hạn dưới 10.000 tỷ đồng.

Dự án tuyến đường bộ ven biển (giai đoạn 1) có điểm đầu tại Km 0+000, giao với ĐT877B (khoảng Km 22+215), thuộc xã Phú Đông, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối tại Km 53+000, cuối cầu Cổ Chiên 2 (cầu Thạnh Phú), thuộc xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Trong đó, tuyến đường bộ ven biển qua địa bàn tỉnh Bến Tre có tổng chiều dài dự kiến là 53km. Tổng vốn đầu tư hơn 28.500 tỷ đồng, bao gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2021 – 2025 và giai đoạn 2 sau năm 2025.

Giai đoạn 1 (2021 – 2025) với kinh phí 13.127 tỷ đồng xây dựng đường cấp III đồng bằng, 2 làn xe cơ giới. Xây dựng 13 cầu trên tuyến chính, trong đó có 5 cầu vượt sông lớn.

Giai đoạn 2 (dự kiến sau năm 2025) với kinh phí 15.419 tỷ đồng. Theo đó, tỉnh sẽ nâng cấp, mở rộng tuyến đường ngoài đô thị với bề rộng nền đường 46m và trong đô thị với bề rộng nền đường 100m.

Nguồn vốn đầu tư dự kiến từ nguồn vốn ODA hỗ trợ phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu và vốn ngân sách tỉnh đối ứng. DA giúp thúc đẩy phát triển Bến Tre về hướng Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nhiều ngành kinh tế chủ lực, ven biển của tỉnh. Là đòn bẩy thúc đẩy tăng trưởng kinh tế không chỉ riêng cho Bến Tre mà còn cho các tỉnh trong khu vực.

Nguồn: Báo Ấp Bắc

Previous articleTiến độ cao tốc Bắc Nam 2021 – 2025
Next articleAn Giang ấn định ngày khởi công cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng