Theo các chuyên gia, có khá nhiều dự báo cho thấy từ giờ đến cuối quý 3.2022 lãi suất sẽ tăng. Lạm phát của Việt Nam nếu quan sát kỹ thì đã tăng mạnh hơn so với thời điểm cùng kỳ năm ngoái, song vẫn chưa quá cao so với mục tiêu 4% của Chính phủ. Nếu lạm phát vẫn dưới mức này thì không có quá nhiều điều phải lo lắng.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải chờ kết quả tăng trưởng GDP trong quý 3/2022. Nếu như kết quả vẫn tốt thì khả năng Ngân hàng Nhà nước có những động thái để giảm lại suất sẽ không quá lớn. Nếu tình hình tăng trưởng diễn biến không quá tích cực, có thể Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất thúc đẩy và kích thích nền kinh tế thay vì tăng lãi suất như cách Mỹ đang làm. Nhật Bản là ví dụ điển hình cho câu chuyện không những không nâng mà còn hạ lãi suất để đảm bảo đà phục hồi.
Theo TS. Phạm Anh Khôi – Kinh tế trưởng kiêm Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh Tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services; Tổng Giám đốc Công ty tài chính FINA,: “Cũng còn một điểm khác cần phải lưu ý đó là lạm phát có 2 nguyên nhân, thứ nhất là do chi phí đẩy và thứ hai là do cầu kéo. Nếu như lạm phát do cầu kéo, việc tăng lãi suất có thể khống chế được lạm phát. Nếu lạm phát là do chi phí đẩy thì việc tăng lãi suất sẽ không có quá nhiều tác động để cải thiện tình hình”.
Trong trung và ngắn hạn, khả năng tăng lãi suất vẫn cao hơn là giảm lãi suất. Tuy nhiên vào cuối năm vẫn có xác suất Nhà nước có thể tham gia ổn định thậm chí là hạ lãi suất, đặc biệt là cho những ngành có đóng góp nhiều cho nền kinh tế. Với riêng ngành bất động sản thì phải tập trung nguồn vốn phát triển hỗ trợ dự án phục vụ phát triển nhu cầu ở thực của người dân là câu chuyện đáng chú ý hơn và chắc chắn vẫn sẽ được hỗ trợ.
Theo chuyên gia, nếu lạm phát là do chi phí đẩy, thì giải pháp tối ưu nhất của Chính phủ lúc này là sử dụng các chính sách trọng cung (supply-side policies). Cụ thể là các chính sách nhằm gia tăng năng xuất và tiết giảm chi phí đầu vào như giảm thuế, cải thiện các quy định pháp lí, thủ tục hành chính và tiết giảm chi phí tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Những giải pháp này sẽ có tính bền vững lâu dài vừa góp phần thúc đẩy GDP, đồng thời làm giảm áp lực lạm phát.”
Theo: Nhịp sống kinh tế