GDP 9 tháng tăng cao nhất trong 12 năm qua
Tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2022 của nước ta được nhận định khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý III/2022 tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt so với nền thấp của cùng kỳ năm trước. Nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đạt mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…
Từ đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2022 ước tính tăng khá cao, ở mức 13,67% so với cùng kỳ năm trước. GDP 9 tháng năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong giai đoạn 2011 – 2022.
Lạm phát được kiểm soát tốt
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng năm nay tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, đây là thành công lớn của Việt Nam trong kiểm soát lạm phát.
Các chính sách phù hợp cùng với sự quyết liệt, sát sao trong chỉ đạo, điều hành đã giúp giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá, ổn định sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân. Trong đó, có thể kể đến một số chính sách rất hiệu quả như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8%; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu…
Tuy nhiên, hiện nay vẫn tiềm ẩn những yếu tố có khả năng tác động làm tăng CPI trong những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt là năm 2023. Cụ thể như giá nguyên nhiên vật liệu trên thế giới đang ở mức cao; đồng đô la Mỹ tăng giá càng làm tăng chi phí nhập khẩu đầu vào; giá lương thực, thực phẩm, may mặc thường tăng vào các tháng cuối năm và dịp lễ, tết. Cùng với đó, các gói hỗ trợ kinh tế, đầu tư công được triển khai tích cực trong các tháng cuối năm, qua đó tác động làm tăng thêm áp lực lạm phát.
Cán cân thương mại nghiêng về xuất siêu
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh 17.3% so với cùng kỳ là điểm sáng của nền kinh tế giúp cán cân thương mại ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD. Điều này đến từ việc các Hiệp định thương mại bắt đầu có hiệu lực và Việt Nam cũng tận dụng tốt cơ hội khi Trung Quốc duy trì chính sách” Zero Covid” để đẩy mạnh việc xuất khẩu sang các thị trường lớn như EU, Nhật Bản…
Khách quốc tế phục hồi ấn tượng
Tương tự tăng trưởng GDP, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có sự phục hồi khá ấn tượng dù vẫn chưa đạt mức như trước đại dịch. Đóng góp phần lớn là sự phục hồi khá toàn diện của ngành du lịch. Đặc biệt là sau khi được mở cửa hoàn toàn vào giữa tháng 3 và sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức SEA Games 31…lượng khách du lịch quốc tế tăng lên qua các tháng, giá trị đóng góp về kinh tế của ngành du lịch đang dần tiệm cận thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Nguồn: Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services