Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa có ý kiến tại văn bản số 3637/VPCP-CN, giao Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Dầu Giây – Tân phú (giai đoạn 1) đã được Bộ GT-VT trình. Đồng thời, có báo cáo Thủ tướng Chính phủ khẳng định các nội dung dự án về phù hợp với quy định của pháp luật và đủ điều kiện để quyết định chủ trương đầu tư, kiến nghị rõ phê duyệt hay không phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (ngày 29-3-2021) của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư theo phương thức PPP.
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú là một phần của Dự án Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương
Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú có điểm đầu trùng với điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây thuộc địa bàn H.Thống Nhất
Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy mô của tuyến cao tốc Dầu Giây – Tân Phú gồm 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h.
Mục tiêu đầu tư dự án là nâng cao khả năng kết nối, rút ngắn thời gian vận chuyển giữa tỉnh Đồng Nai với mạng lưới giao thông trong khu vực và hệ thống đường giao thông quốc gia, phát huy tối đa vai trò hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai; đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trong khu vực, trên địa bàn.
Đồng thời, dự án cũng tạo bước phát triển đột phá về kinh tế – xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Đồng Nai nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung; bảo đảm an ninh quốc phòng; hoàn chỉnh và hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.